NHÌN LẠI VỤ ÁN BÁC SĨ HOÀNG CÔNG LƯƠNG: TỪ LÝ LUẬN KHOA HỌC LUẬT HÌNH SỰ ĐẾN BIỂU HIỆN THỰC TẾ TRONG VỤ ÁN – KỲ 5
BÀI 1: TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI TRONG KHOA HỌC LUẬT HÌNH SỰ VÀ TRONG VỤ ÁN BÁC SĨ HOÀNG CÔNG LƯƠNG
PHẦN MỘT: HÀNH VI VI PHẠM QUY TẮC AN TOÀN THÔNG THƯỜNG VỀ ĐẢM BẢO TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE CON NGƯỜI – HÀNH VI KHÁCH QUAN CỦA TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI VÀ BIỂU HIỆN TRONG VỤ ÁN BÁC SĨ HOÀNG CÔNG LƯƠNG
….
PHẦN HAI: QUAN HỆ NHÂN QUẢ TRONG TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI
….
PHẦN BA – LỖI TRONG TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI VÀ BIỂU HIỆN TRONG VỤ ÁN BÁC SĨ HOÀNG CÔNG LƯƠNG
I/ Lỗi trong luật hình sự và trong tội Vô ý làm chết người
1.1. Lý luận chung về lỗi:
[Tài liệu tham khảo: Gs.Ts Nguyễn Ngọc Hòa, “Có lỗi – biểu hiện cơ bản của yếu tố mặt chủ quan của tội phạm” – Tội phạm và Cấu thành tội phạm, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội 2010]
Nguyên tắc có lỗi là nguyên tắc cơ bản trong luật hình sự Việt Nam. Có lỗi là cơ sở chủ quan để có thể buộc chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi có tính gây thiệt hại (hành vi nguy hiểm cho xã hội) của mình và về hậu quả thiệt hại do hành vi đó gây ra. Nếu không có lỗi thì chủ thể không phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS), dù cho hành vi họ thực hiện đã gây ra hậu quả thiệt hại.
Lỗi trong luật hình sự, trước hết là quan hệ giữa cá nhân người phạm tội với xã hội mà nội dung của nó là sự phủ định chủ quan đòi hỏi của xã hội đã được thể hiện qua các đòi hỏi cụ thể của luật hình sự. Đó là sự phủ định đòi hỏi của xã hội trong ý thức của chủ thể. Sự phủ định chủ quan này tồn tại trong sự thống nhất với sự phủ định khách quan là sự phủ định đòi hỏi của xã hội trên thực tế mà biểu hiện cụ thể là sự gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Tội phạm chính là sự thống nhất giữa hai loại phủ định này.
Trong thực tế có thể có hành vi nguy hiểm cho xã hội (phủ định khách quan) mà chủ thể thực hiện hành vi đó không có lỗi, trái lại, khi nói chủ thể có lỗi (phủ định chủ quan) thì phải hiểu chủ thể có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (phủ định khách quan). Không thể nói đến lỗi khi không có hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể. Trong mối quan hệ giữa phủ định chủ quan và phủ định khách quan của tội phạm, phủ định khách quan được xem như là nguyên nhân của sự phủ định khách quan..
Tóm lại, lỗi là sự phủ định chủ quan đòi hỏi của xã hội và chủ thể bị coi là có lỗi khi thực hiện hành vi có tính gây thiệt hại nếu họ đã lựa chọn hành vi đó trong khi có đủ điều kiện để lựa chọn xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
Chủ thể có năng lực TNHS bị coi là có lỗi khi thực hiện hành vi gây thiệt hại nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
– Trên thực tế có nhiều khả năng xử sự đối với chủ thể – khả năng xử sự gây thiệt hại và khả năng xử sự phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Trái lại, nếu khả năng xử sự gây thiệt hại là khả năng duy nhất thì chủ thể không có lỗi vì không có sự lựa chọn. Đó là trường hợp bất khả kháng hay còn gọi là trường hợp tình trạng không thể khắc phục được.
– Những khả năng xử sự này chủ thể đều nhận thức được và đều có thể lựa chọn, quyết định và thực hiện được. Nhưng chủ thể đã lựa chọn, quyết định và thực hiện xử sự nguy hiểm cho xã hội. Trái lại, nếu chủ thể không nhận thức được do điều kiện khách quan không cho phép thì chủ thể không có lỗi. Đó là trường hợp sự kiện bất ngờ.
Xét về mặt hình thức, lỗi là một quan hệ tâm lý (thái độ tâm lý) thể hiện mối quan hệ giữa yếu tố lý trí (khả năng nhận thức) và yếu tố ý chí (khả năng điều khiển hành vi). Theo đặc điểm cấu trúc tâm lý, có thể định nghĩa lỗi như sau: Người thực hiện hành vi gây thiệt hại bị coi là có lỗi nếu khi thực hiện nhận thức được hoặc có đủ điều kiện để nhận thức được tính gây thiệt hại của hành vi và có đủ điều kiện lựa chọn, thực hiện hành vi khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
Trong trường hợp có lỗi, lý trí của chủ thể đối với xử sự đã lựa chọn, đã quyết định phải ở một trong hai khả năng hoặc là nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi hoặc là không nhận thức được nhưng có đủ điều kiện để nhận thức được. Cùng với việc nhận thức được tính chất xã hội của hành vi đã lựa chọn như vậy, chủ thể trong trường hợp có lỗi còn nhận thức được (hoặc không nhận thức được nhưng có đủ điều kiện để nhận thức được) những khả năng xử sự khách quan khác không gây thiệt hại cho xã hội.
1.2. Phân loại lỗi
Căn cứ vào đặc điểm cấu trúc tâm lý của yếu tố lý trí và ý trí trong những trường hợp có lỗi, luật hình sự Việt Nam chia lỗi làm 2 loại: lỗi cố ý và vô ý. Trong lỗi cố ý có 2 hình thức là cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp; vô ý cũng có hai hình thức là vô ý vì quá tự tin và vô ý do cẩu thả.
Lỗi cố ý và vô ý được định nghĩa trong BLHS 2015 như sau:
“Điều 10. Cố ý phạm tội
Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
- Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
- Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Điều 11. Vô ý phạm tội
Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
- Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
- Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.”
Mặc dù BLHS đã định nghĩa về 4 loại lỗi cố ý trực tiếp, cố ý gián tiếp, vô ý vì quá tự tin và vô ý do cẩu thả nhưng để có thể xác định và đánh giá chính xác các loại lỗi này, chúng ta cần đi sâu hơn về cấu trúc tâm lý của mỗi loại lỗi trong khoa học luật hình sự. Những ai quan tâm đến vấn đề cấu trúc tâm lý của lỗi cố ý, vô ý trong khoa học luật hình sự, có thể tìm đọc cuốn “Tội phạm và Cấu thành tội phạm” của GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa cũng như tham khảo các tài liệu chuyên môn chính thống khác, chúng tôi sẽ không làm kỹ nội dung này trong chuyên đề mà chỉ vận dụng vào vụ án.
1.3. Lỗi vô ý trong tội Vô ý làm chết người
Trên cơ sở khoa học luật hình sự về cấu trúc tâm lý của lỗi vô ý, có thể vận dụng vào lỗi vô ý trong tội Vô ý làm chết người như sau:
Lỗi vô ý | ||
Hình thức lỗi | Cấu trúc tâm lý | Vô ý làm chết người |
Dấu hiệu chung | – Chủ thể không nhận thức được dấu hiệu thể hiện tính gây thiệt hại của hành vi khi quyết định thực hiện hành vi đó;
Những dấu hiệu thể hiện tính gây thiệt hại của hành vi mà chủ thể không nhận thức được là dấu hiệu được phản ánh trong CTTP. Những dấu hiệu đó có thể là tính chất thực tế của hành vi (tính vi phạm nghĩa vụ pháp lý), là hậu quả mà hành vi đó gây ra và có thể là những dấu hiệu khách quan khác. – Chủ thể có đủ điều kiện để nhận thức được những dấu hiệu đó và có điều kiện để lựa chọn, thực hiện hành vi phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
|
– Chủ thể không nhận thức được dấu hiệu thể hiện tính gây chết người của hành vi khi quyết định thực hiện hành vi đó;
Những dấu hiệu đó là: Sự vi phạm quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe con người; khả năng gây hậu quả chết người của hành vi vi phạm quy tắc an toàn. – Chủ thể có đủ điều kiện để nhận thức được dấu hiệu thể hiện tính làm chết người của hành vi và có điều kiện để lựa chọn, thực hiện hành vi tuân thủ quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe con người phù hợp với đòi hỏi của xã hội. |
Vô ý vì quá tự tin | Chủ thể nhận thức được tính chất thực tế của hành vi (tính vi phạm nghĩa vụ pháp lý), nhận thức được khả năng xảy ra hậu quả nhưng sau khi cân nhắc đã loại trừ khả năng đó khi lựa chọn hành vi;
Nguyên nhân: quá tự tin (tự tin không có cơ sở) |
Nhận thức được nghĩa vụ tuân thủ quy tắc an toàn, nhận thức được khả năng xảy ra hậu quả chết người nếu không tuân thủ quy tắc an toàn nhưng sau khi cân nhắc đã loại trừ khả năng này. Khi đã loại trừ như vậy thì chủ thể không còn nhận thức được tính gây chết người của hành vi nữa.
Nguyên nhân: vì quá tự tin |
Vô ý do cẩu thả | – Chủ thể không nhận thức được tính chất thực tế của hành vi (tính vi phạm nghĩa vụ pháp lý) và như vậy đồng thời cũng có nghĩa không nhận thức được khả năng gây ra hậu quả thiệt hại của hành vi;
– Chủ thể tuy nhận thức được tính chất thực tế của hành vi (tính vi phạm nghĩa vụ pháp lý) nhưng lại hoàn toàn không nhận thức được khả năng gây hậu quả thiệt hại của hành vi của mình; Nguyên nhân: do cẩu thả
|
– Không nhận thức được việc đang vi phạm quy tắc an toàn, do đó cũng không nhận thức được khả năng gây ra hậu quả chết người.
– Tuy nhận thức được hành vi vi phạm quy tắc an toàn nhưng lại không nhận thức được khả năng gây ra hậu quả thiệt hại của hành vi.
Nguyên nhân: Do cẩu thả
|
II/ Vì sao Bác sĩ Hoàng Công Lương có lỗi hình sự – lỗi Vô ý vì quá tự tin?
– Thứ nhất, Nghĩa vụ pháp lý của Hoàng Công Lương:
+ Nghĩa vụ mang tính nguyên tắc: Phải biết tình trạng nước RO trước khi ra y lệnh chạy thận cho bệnh nhân, chỉ khi biết nước chắc chắn đảm bảo an toàn thì mới được ra y lệnh chạy thận.
+ Nghĩa vụ cụ thể: Phải kiểm tra được tính đúng đắn, tính đáng tin cậy trong báo cáo của Điều dưỡng về chất lượng nước RO; phải kiểm tra biên bản bàn giao sau sửa chữa để có cơ sở đánh giá chất lượng nước RO; phải báo cáo và được sự chỉ đạo cho phép của Trưởng Khoa Hồi sức tích cực thì mới được đưa hệ thống RO sau sửa chữa vào sử dụng.
– Thứ hai, các dấu hiệu thể hiện tính gây chết người trong hành vi của Bác sĩ Hoàng Công Lương: Ra y lệnh khi chưa biết chắc chắn nước RO sau sửa chữa đã đảm bảo an toàn để dùng cho chạy thận hay chưa, do chưa thực hiện hết các biện pháp (về mặt hình thức) để biết tình trạng nước RO sau sửa chữa – mới chỉ nghe báo cáo bằng miệng của Điều dưỡng mà không kiểm tra xem có biên bản bàn giao sau sửa chữa hay chưa, cũng không có hoạt động báo cáo và nhận chỉ đạo của Trưởng Khoa Hồi sức tích cực cho phép đưa hệ thống RO sau sửa chữa vào sử dụng trở lại.
– Thứ ba, nhận thức của Hoàng Công Lương đối với các dấu hiệu thể hiện tính gây chết người trong hành vi của mình:
+ Nhận thức được sự vi phạm các nghĩa vụ cụ thể (tức là nhận thức được tính thực tế của hành vi): Hoàng Công Lương trong tình huống chuẩn bị ra y lệnh hoàn toàn nhận thức được thực tế là mới chỉ nghe Điều dưỡng báo cáo bằng miệng về việc hệ thống RO đã sửa chữa, bảo dưỡng xong và có thể hoạt động bình thường; chưa kiểm tra tính đúng đắn, tính đáng tin cậy trong báo cáo miệng của Điều dưỡng; chưa kiểm tra xem có biên bản bàn giao hay không; nhận thức được việc chưa có báo cáo và chỉ đạo của Trưởng Khoa Hồi sức tích cực về việc cho phép đưa hệ thống RO sau sửa chữa vào sử dụng.
+ Từ việc nhận thức được sự vi phạm các nghĩa vụ cụ thể nói trên, kéo theo việc nhận thức được sự vi phạm nghĩa vụ mang tính nguyên tắc: Hoàng Công Lương hoàn toàn nhận thức được việc mình đang ra y lệnh khi chưa biết chắc chắn nước RO đã đảm bảo an toàn sau sửa chữa. Bởi để biết chắc chắn nước RO đã đảm bảo an toàn sau sửa chữa hay chưa thì bắt buộc phải thông qua việc thực hiện đầy đủ các biện pháp nói trên.
+ Nhận thức được khả năng gây ra hậu quả chết người nếu sử dụng nước RO sau sửa chữa để dùng chạy thận cho các bệnh nhân khi chưa biết chắc chắn nước RO đã đảm bảo an toàn hay chưa.
– Thứ tư, Hoàng Công Lương có đủ điều kiện để nhận thức được những dấu hiệu trên, bởi:
+ Hoàng Công Lương là bác sĩ điều trị, có chứng chỉ hành nghề và được giao phụ trách về chuyên môn tại Đơn nguyên TNT; đã được đào tạo và được cấp giấy chứng nhận về kỹ thuật lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo, nhận thức rõ về tầm quan trọng của nước sử dụng cho việc chạy thận;
+ Hoàng Công Lương là người đã ký đề xuất sửa chữa hệ thống RO số 2 và biết rõ ngày 28/5/2017 hệ thống RO số 2 được sửa chữa trong đó có việc thay thế, vệ sinh, tiệt trùng màng RO và các cột RO (cứ có vệ sinh, tiệt trùng là phải có sự can thiệp hóa chất dùng trong tiệt trùng, tẩy rửa).
– Thứ năm, Hoàng Công Lương có đủ điều kiện để lựa chọn thực hiện hành vi tuân thủ quy tắc an toàn, đó là: Hoàng Công Lương có đủ điều kiện để kiểm tra tính đúng đắn, tính đáng tin cậy trong báo cáo miệng của Điều dưỡng bằng cách trực tiếp quan sát nước, kiểm tra đồng hồ; hỏi xem có biên bản bàn giao hay chưa để kiểm tra nội dung biên bản bàn giao hoặc gọi điện cho bên sửa chữa để kiểm tra về việc bàn giao; báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng Khoa Hồi sức tích cực.
Có ý kiến cho rằng, việc ra y lệnh của Hoàng Công Lương thuộc trường hợp bất khả kháng vì các bệnh nhân đã đến thời điểm phải chạy thận chu kỳ, không còn cách nào khác là phải ra y lệnh để chạy thận bởi các bệnh nhân đều qua 2-3 ngày cuối tuần không chạy thận, nếu không chạy thận nhân tạo tùy trường hợp sức khỏe có thể ảnh hưởng ít, có thể biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Quan điểm này chỉ đúng khi Hoàng Công Lương đã thực hiện hết các biện pháp đã liệt kê ở trên mà hậu quả chết người vẫn xảy ra, bởi Trưởng Khoa Hồi sức tích cực mới là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc đảm bảo chất lượng nước dùng cho lọc máu. Khi chưa có cơ sở để biết chắc chắn nước RO đã đảm bảo an toàn dùng cho lọc máu thì chưa đủ điều kiện để ra y lệnh, đây là việc nằm ngoài quyền quyết định về chuyên môn của Bác sĩ điều trị. Khi đó, Bác sĩ điều trị phải xin ý kiến cuối cùng của Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, nếu Trưởng khoa vẫn chỉ đạo cho sử dụng nước RO để chạy thận thì Bác sĩ điều trị mới được ra y lệnh chạy thận.
– Thứ sáu, mặc dù nhận thức được khả năng gây ra hậu quả chết người nếu sử dụng nước RO sau sửa chữa để dùng chạy thận cho các bệnh nhân khi chưa biết chắc chắn nước RO đã đảm bảo an toàn, nhưng Hoàng Công Lương đã loại trừ khả năng này, cho rằng khả năng này không xảy ra bởi Hoàng Công Lương đã quá tin vào một quy trình “thói quen” đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong suốt 7 năm qua khiến cho bất kỳ Bác sĩ nào ở vào vị trí của Bác sĩ Hoàng Công Lương cũng sẽ tin rằng chất lượng nước RO sau sửa chữa đã đảm bảo an toàn chỉ thông qua việc nghe báo cáo miệng của Điều dưỡng mà không cần biết có hay không có biên bản bàn giao và cũng không cần biết có hay không có báo cáo, chỉ đạo của Trường khoa Hồi sức tích cực Hoàng Đình Khiếu cho phép đưa hệ thống RO sau sửa chữa vào sử dụng.
Quy trình “thói quen” (bất thành văn) đó là: Các lần sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO đều được tiến hành vào các ngày chủ nhật để thứ 2 tuần kế tiếp, Đơn nguyên lọc máu tiến hành chạy thận nhân tạo luôn. Phòng vật tư thiết bị y tế và Đơn nguyên thận nhân tạo luôn bàn giao bằng miệng. Cán bộ Phòng vật tư thiết bị y tế (tức là anh Sơn) chỉ cần thông báo với điều dưỡng trực hành chính của ngày sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống bằng miệng rằng: “Hệ thống đã được sửa chữa, bảo dưỡng xong. Có thể đi vào hoạt động bình thường” thì thứ 2 tuần kế tiếp, Đơn nguyên thận nhân tạo sẽ cho máy hoạt động sau khi đã kiểm tra lại độ dẫn điện của nước bằng đồng hồ đo độ dẫn điện. Bàn giao bằng miệng trước, biên bản bàn giao được lập sau và lùi ngày khớp với ngày sửa chữa, bảo dưỡng và việc đại diện Đơn nguyên thận nhân tạo ký vào biên bản bàn giao chỉ nhằm mục đích hoàn tất thủ tục thanh toán với Phòng tài chính của bệnh viện để thanh lý hợp đồng sửa chữa với công ty Thiên Sơn. Đồng thời, cũng chưa lần nào Đơn nguyên TNT phải báo cáo xin chỉ đạo và sự cho phép của ông Hoàng Đình Khiếu để đưa hệ thống RO sau sửa chữa vào sử dụng. Quy trình bất thành văn mang tính thói quen nói trên diễn ra trong suốt 7 năm mà không xảy ra một sự cố nào.
Chúng tôi vẫn khẳng định, Hành vi của Bác sĩ Hoàng Công Lương không phải có tính cẩu thả, cẩu thả là sự thiếu cẩn thận, lơ là, vô tâm, tắc trách, không tuân thủ những quy tắc chung của cả tập thể. Chính vì sự cẩu thả đó mà chủ thể không nhận thức được tính thực tế của hành vi (tính vi phạm nghĩa vụ pháp lý) hoặc mặc dù nhận thức được tính thực tế của hành vi (tính vi phạm nghĩa vụ pháp lý) nhưng không thấy trước hậu quả thiệt hại có thể xảy ra khi thực hiện hành vi của mình, mặc dù pháp luật buộc họ phải thấy trước. Lỗi trong hành vi của bác sĩ Hoàng Công Lương là Vô ý vì quá tự tin chứ không phải do cẩu thả. Bác sĩ Hoàng Công Lương hoàn toàn biết nghĩa vụ pháp lý của mình đối với việc phải biết nước RO đảm bảo an toàn thì mới được ra y lệnh, Bác sĩ Hoàng Công Lương có quan tâm đến chất lượng nước RO trước khi ra y lệnh, đồng thời hoàn toàn nhận thức được khả năng gây ra hậu quả chết người nếu vi phạm nghĩa vụ nói trên nhưng thực tế vào ngày 29/5/2017 khi ra y lệnh bản thân Bác sĩ Hoàng Công Lương lại loại trừ khả năng gây ra hậu quả chết người, tin rằng nước RO đã đảm bảo an toàn, là do đã đánh giá không đầy đủ, không chuẩn xác tính thiếu an toàn của quy trình thói quen chung của Bệnh viện, vì quá tin vào quy trình bất thành văn đó dẫn đến không nhận thức được đầy đủ khả năng gây ra hậu quả chết người của hành vi ra y lệnh khi chưa thực hiện hết các biện pháp bắt buộc để biết chắc chắn chất lượng nước RO.
Ngược lại, nhiều Luật sư ở giai đoạn sơ thẩm lại cho rằng Bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội là vì đã tuân thủ đúng quy trình “thói quen” này. Tuy nhiên, quan điểm này không được chấp nhận bởi quy trình “thói quen” mà không được ban hành thành văn bản và không được phê duyệt, thừa nhận bởi bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nào thì không trở thành quy trình an toàn, không trở thành quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính. Đồng thời, quan điểm đó còn đi ngược lại với lý luận chung về lỗi và cơ sở có lỗi của chủ thể trong khoa học luật hình sự. (Để hiểu rõ hơn vấn đề này, các bạn có thể tìm đọc “Lỗi với vấn đề tự do và trách nhiệm” trong cuốn “Tội phạm và cấu thành tội phạm” của GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa.)
Nguyên nhân vì sao Bác sĩ Hoàng Công Lương lại tin vào quy trình “thói quen” của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và vì sao một quy trình thiếu an toàn như vậy lại tồn tại trong suốt 7 năm tại Bệnh viên đa khoa tình Hòa Bình? Mời các bạn đón đọc ở Kỳ 6 – Bài 2: Bàn về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương.
_Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng_
Ls Hoàng Văn Hướng
Ls Đàm Thị Lan Hương