NHÌN LẠI VỤ ÁN BÁC SĨ HOÀNG CÔNG LƯƠNG: TỪ LÝ LUẬN KHOA HỌC LUẬT HÌNH SỰ ĐẾN BIỂU HIỆN THỰC TẾ TRONG VỤ ÁN – KỲ 1
Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng – Đoàn luật sư TP Hà Nội tham gia tố tụng vụ án với vai trò bào chữa cho Bác sĩ Hoàng Công Lương, người trực tiếp thực hiện trọng trách này là Luật sư Hoàng Văn Hướng.
Nhận lời mời của gia đình Bác sĩ Hoàng Công Lương để tham gia vụ án ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, Văn phòng chúng tôi xác định sẽ gặp nhiều khó khăn, áp lực, bởi lẽ vụ án đã và đang được dư luận không chỉ trong nước mà cả ngoài nước hết sức quan tâm, đặc biệt là khi tất cả các Luật sư bào chữa cho Bác sĩ Hoàng Công Lương ở giai đoạn xét xử sơ thẩm đều khẳng định Bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội và nhận được sự ủng hộ đồng tình của một bộ phận không nhỏ dư luận, bao gồm cả những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, y tế. Điều đó cũng khiến chúng tôi thật sự muốn nhanh chóng lao vào vụ án để nghiên cứu, tìm hiểu bản chất Bác sĩ Hoàng Công Lương có tội hay không có tội?
Thời điểm biết Bác sĩ Hoàng Công Lương thừa nhận lỗi của mình (qua đó nhận tội) và xin giảm nhẹ tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, một bộ phận không nhỏ dư luận đã dậy sóng, trong đó có không ít những phát ngôn mỉa mai, chỉ trích, châm biếm thậm chí suy diễn rằng Luật sư giai đoạn phúc thẩm câu kết với Tòa để lừa, xúi giục Bác sĩ Hoàng Công Lương nhận tội. Đáng tiếc hơn, bản thân Bác sĩ Hoàng Công Lương cũng hứng chịu sự chỉ trích, búa rìu dư luận rằng anh vô ơn, phụ công của các Luật sư đã kêu oan cho anh trong giai đoạn sơ thẩm. NHƯNG, chúng tôi, Lương và gia đình Lương chỉ im lặng, thời điểm đó chúng tôi không lên tiếng để phản pháo lại những lời cay nghiệt đó, bởi chúng tôi hiểu rõ giá trị của những việc mình đang làm trong vụ án.
Quy tắc thứ 5 trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã khẳng định “Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích HỢP PHÁP của khách hàng” chứ không phải “Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng” mà bất chấp những ràng buộc của các quy định pháp luật, của khoa học pháp lý. Nội dung của Quy tắc này như sau: “Luật sư có nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.”
Theo đó, với nguyên tắc bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan, chứng cứ, tôn trọng các quy định pháp luật cùng chân lý khoa học pháp lý và khoa học y khoa …Văn phòng chúng tôi bước vào vụ án với tâm thái độc lập và giữ cho mình một cái đầu lạnh nhất có thể để tập trung vào vụ án mà không bận tâm đến những quan điểm trái chiều đang tồn tại ngoài kia, hay phải chịu áp lực bởi những gièm pha, suy diễn, đồn thổi vô căn cứ của những người cùng nghề. Nếu hành vi của thân chủ mình thực sự không cấu thành tội phạm, thì chúng tôi nhất định sẽ cùng thân chủ kêu oan. Nếu hành vi của thân chủ cấu thành tội phạm, thì chúng tôi buộc phải tôn trọng.
Quá trình nghiên cứu, giải quyết hồ sơ vụ án, chúng tôi làm việc với nhau như những người cùng nghiên cứu vụ án, giải thích pháp luật, giải thích kiến thức y khoa, không vội tập trung vào việc Hoàng Công Lương có tội hay không có tội mà chúng tôi tiếp cận ở góc độ phải thấu triệt bản chất pháp lý của vụ án rồi mới đưa ra các nhận định, đánh giá. Phía Luật sư làm công tác giải thích pháp luật để truyền tải triệt để kiến thức pháp lý nói chung và kiến thức khoa học luật hình sự nói riêng cho gia đình Bác sĩ Hoàng Công Lương (trong đó trọng tâm là tội Vô ý làm chết người và tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong khoa học luật hình sự). Ngược lại, chúng tôi cũng làm cả tư cách học trò, để lắng nghe, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng các kiến thức chuyên môn y khoa trong vụ án. Cuối cùng, cả Luật sư lẫn thân chủ mới cùng nhau nhìn nhận, đánh giá: Bác sĩ Hoàng Công Lương có lỗi hình sự hay không và phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Chắc hẳn bất kỳ ai có kiến thức lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật đều biết đến 3 hoạt động chủ yếu trong cơ chế điều chỉnh của pháp luật là: (i) xây dựng pháp luật, (ii) thực hiện pháp luật (thi hành pháp luật, tuân thủ pháp luật, sử dụng pháp luật, áp dụng pháp luật) và (iii) giải thích pháp luật. Trong 3 hoạt động này, hoạt động giải thích pháp luật giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tác động đến nhận thức pháp luật của mọi người nhưng dường như chưa được xem trọng. Có thể nói, quá trình hoạt động pháp luật từ xây dựng, thực hiện và áp dụng pháp luật cho đến các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học pháp lý luôn có nhiệm vụ quan trọng là phải nhận thức đúng, chính xác, thống nhất nội dung, tinh thần các quy định pháp luật, có như vậy thì việc xây dựng và áp dụng pháp luật mới chặt chẽ, chính xác. Muốn làm được điều đó thì phải tiến hành giải thích pháp luật, nghĩa là làm sáng tỏ về mặt tư tưởng, nội dung và ý nghĩa của các quy phạm pháp luật, bảo đảm cho sự nhận thức và thực hiện nghiêm chỉnh, thống nhất pháp luật.
Hoạt động giải thích pháp luật có giải thích chính thức (có giá trị pháp lý) và giải thích không chính thức (không có giá trị pháp lý); trong đó giải thích chính thức là giải thích của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo luật định và mang tính bắt buộc các tổ chức và cá nhân khác phải nhận thức và thực hiện đúng như nội dung lời giải thích, còn giải thích không chính thức là giải thích của tổ chức hay cá nhân không có thẩm quyền giải thích quy định của pháp luật nên lời giải thích không có giá trị pháp lý, không mang tính chất bắt buộc phải thực hiện đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chỉ giúp mọi người nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về các quy định của pháp luật. Giải thích pháp luật có giải thích mang tính quy phạm và giải thích cho những vụ việc cụ thể.
Tuy nhiên, trong quá trình hành nghề Luật sư tranh tụng, chúng tôi nhận thấy có một thực trạng chung của các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết, xét xử các vụ án hình sự là còn chưa coi trọng hoạt động giải thích pháp luật (cho những vụ việc cụ thể mà họ giải quyết) mà chỉ chú trọng việc áp dụng pháp luật. Các văn bản tố tụng như Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án thông thường chỉ mang tính mô tả, tường thuật lại diễn biến vụ án, hành vi phạm tội, đưa ra các căn cứ pháp lý để kết luận tội danh, tuyên án và quyết định hình phạt. Còn nội dung đánh giá hành vi thường chung chung, mang tính khẳng định chứ chưa chú trọng giải thích pháp luật để làm rõ một cách triệt để vì sao hành vi của bị can, bị cáo lại thỏa mãn cấu thành tội phạm? Trong nhiều vụ án, mặc dù về bản chất việc buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng là đúng người đúng tội, đúng pháp luật, đúng hành vi nhưng Bản án đưa ra lại không nhận được sự “tâm phục khẩu phục” từ xã hội, từ những người tham gia tố tụng, chủ yếu nguyên nhân là do công tác giải thích pháp luật gắn với vụ án đó chưa được chú trọng, hoặc nếu có giải thích thì vẫn quá sơ sài, chỉ giải thích ở phần “ngọn”.
Đối với vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương, chúng ta đều biết có sự tồn tại trong dư luận nói chung, thậm chí trong cả nhóm người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật nói riêng song song 2 quan điểm trái chiều: có tội – vô tội. Lẽ ra, các cơ quan tiến hành tố tụng vụ án phải có trách nhiệm thực hiện hoạt động giải thích pháp luật trong vụ án này, trước hết là để người phạm tội hiểu tường tận vì sao hành vi của mình lại cấu thành tội phạm chứ không oan? Sau là để Luật sư, cộng đồng xã hội có cơ sở để đánh giá được lý lẽ, luận giải của cơ quan tiến hành tố tụng về quan điểm buộc tội của mình có thuyết phục và có đúng đắn với khoa học pháp lý hay không? Từ đó, niềm tin của cộng đồng xã hội vào nền tư pháp đất nước chắc chắn sẽ được củng cố, gia tăng. Tiếc rằng, nền tư pháp nước ta vẫn chưa đạt được điều này, sự hỗn mang với các quan điểm trái chiều trong dư luận trước một vụ án trọng điểm vẫn là thực trạng diễn ra đều đặn, do công tác giải thích pháp luật theo vụ án cụ thể còn bị xem nhẹ.
Đứng trước thực trạng đó, Luật sư mặc dù không được trao thẩm quyền giải thích pháp luật một cách chính thức, nhưng không phải vì thế mà chúng ta được bỏ qua hoạt động này. Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng của mình, chúng ta phải thực hiện hoạt động giải thích pháp luật cho khách hàng, khách hàng có nhận thức đúng các quy định của pháp luật liên quan đến vụ án của mình, thì Luật sư mới có thể thực hiện được tốt nhất nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương đã kết thúc vào ngày 19/6/2019 ở phiên tòa xét xử phúc thẩm với việc Bác sĩ Hoàng Công Lương đã nhận tội (chính xác là đã nhận mình có lỗi trong việc ra y lệnh khi chưa biết chắc chắn nước RO đã đảm bảo an toàn sau sửa chữa và đã hiểu vì sao hành vi đó của mình lại thỏa mãn cấu thành tội Vô ý làm chết người). Chúng tôi vẫn khẳng định rằng, dù hành vi của Bác sĩ Hoàng Công Lương cấu thành tội Vô ý làm chết người, nhưng Bác sĩ Hoàng Công Lương đáng thương, đáng cảm thông hơn đáng trách, lỗi của Bác sĩ Hoàng Công Lương là vô ý vì quá tự tin chứ không phải là sự cẩu thả. Mặc dù Bác sĩ Hoàng Công Lương có lỗi khi đã để sự tự do ý chí của bản thân gần như hòa tan vào một “quy trình thói quen” của cả một tập thể Bệnh viện, làm mất đi sự độc lập mà pháp luật buộc người ở vị trí đó phải giữ được khi đứng trong một tập thể, nhưng phần lớn sự quá tự tin trong hành vi của Bác sĩ Hoàng Công Lương có nguyên nhân khách quan từ bên ngoài – là “lỗi hệ thống” từ những người có trách nhiệm phía trên.
Khi tham gia vào vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, VPLS Hoàng Hưng đã thực hiện hoạt động giải thích pháp luật chỉ mang tính cá nhân giữa Luật sư với thân chủ và gia đình của thân chủ. Đến nay, sau một năm kết thúc vụ án, VPLS Hoàng Hưng xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết bàn về vụ án vô cùng đặc biệt này dưới góc độ lý luận khoa học pháp lý cùng những bài học giá trị đúc rút ra từ vụ án, có thể coi là hoạt động giải thích pháp luật ở diện rộng hơn. Đồng thời cũng là sự lên tiếng chính thức của chúng tôi về việc vì sao giai đoạn xét xử phúc thẩm lại định hướng bào chữa giảm nhẹ cho Bác sĩ Hoàng Công Lương? Hy vọng rằng, loạt bài viết này sẽ truyền tải được những kiến thức, kinh nghiệm có ích cho các bạn sinh viên, học viên yêu thích ngành Luật hình sự và phần nào giúp những người quan tâm đến vụ án hiểu hơn về mặt khoa học pháp lý trong vụ án.
Chuyên đề về vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương được chúng tôi chia thành 3 phần với bố cục như sau:
Bài 1. Tội vô ý làm chết người (Sẽ được đăng ở Kỳ 2)
Bài 2. Tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Sẽ được đăng ở Kỳ 3)
Bài 3. Trách nhiệm của Bộ Y tế và những “lỗ hổng” của ngành Y – đã được “lấp” hay chưa? (Sẽ được đăng ở Kỳ 4)
Để tiện cho sự theo dõi của những người quan tâm đến vụ án, chúng tôi xin dành một số dòng để tóm tắt lại vụ án như sau:
(Lưu ý, việc tóm tắt chỉ tập trung vào diễn biến của các sự kiện diễn ra sát và trong ngày 29/5/2017 – là ngày xảy ra sự cố chạy thận, để phục vụ cho người đọc hình dung được vụ án, chứ không tường thuật đầy đủ mọi tình tiết của vụ án. Nội dung tóm tắt chúng tôi xin đưa vào trong “ngoặc kép”, để có sự phân biệt với các nội dung khác trong bài viết này).
“Sáng ngày 28/5/2017, Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình để thực hiện việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 theo chỉ đạo của Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (Công ty CPDP Thiên Sơn là đơn vị liên kết với BVĐK tỉnh Hòa Bình về việc khai thác hệ thống máy chạy thận nhân tạo phục vụ điều trị bệnh nhân suy thận). Tại đây Quốc gặp và cùng Trần Văn Sơn (viên chức Phòng Vật tư thiết bị y tế của Bệnh viện, được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng vật tư, thiết bị y tế tại Đơn nguyên lọc máu và một số công việc khác) tiến hành kiểm tra số lượng, chất lượng, mẫu mã vật tư. Sau đó Sơn đi về nhà, để cho Quốc tự thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng.
Bùi Mạnh Quốc tiến hành các thao tác thay thế vật liệu lọc, dùng hỗn hợp chất Axit Flohydric (HF) và Axit Clohydric (HCl) lau chùi 02 màng lọc cũ, thay 02 màng lọc mới và dùng hỗn hợp chất trên đổ vào các cột lọc, cho vận hành và sục rửa các cột lọc, sau đó bơm nước vào các cột lọc để sục đẩy các chất cặn bẩn và hóa chất ra ngoài. Việc bơm nước vào các cột lọc để sục rửa Quốc thực hiện trong thời gian khoảng một giờ đồng hồ, không có dụng cụ để test độ dẫn điện của nước mà chỉ nhìn đồng hồ đo độ dẫn điện của hệ thống nước RO số 2, nên thực tế nước trong các cột lọc lúc này vẫn tồn dư lượng nước lớn các hóa chất mà Quốc sử dụng để sục rửa. Tiếp đó Quốc mở van nối giữa các cột lọc với tank RO số 2. Do đó, số hóa chất HF và HCl theo hệ thống nước hòa vào nước trong tank RO số 2. Sau đó, Quốc tiến hành khóa các van ở đầu cấp vào các máy lọc thận và dùng Javen để tiệt trùng hệ thống đường ống cấp nước cho máy chạy thận trong vòng 02 giờ đồng hồ, sau đó xả các đầu ống cho hết nước tồn dư, dùng bơm để bơm nước RO mới vào rửa đường ống liên tục trong 2 giờ, tiếp đó mở van các đầu ống để xả nước tồn lần nữa rồi cắm lại dây như ban đầu.
Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 28/5/2017, Quốc gọi điện thoại cho Sơn và nói đã sửa chữa, bảo dưỡng xong. Do không có mặt tại đó, nên Sơn gọi điện cho chị Đỗ Thị Điệp là điều dưỡng viên của Đơn nguyên lọc máu và nói là hệ thống nước đã sửa chữa, bảo dưỡng xong, đề nghị chị Điệp khóa cửa phòng xử lý nước, Điệp đã gọi điện nhờ Điều dưỡng viên Phạm Danh Quang đến khóa cửa Phòng xử lý nước.
Khoảng 07 giờ ngày 29/5/2017, chị Đỗ Thị Điệp nói trước tất cả mọi người tại Đơn nguyên lọc máu (trong đó có mặt Bác sĩ Hoàng Công Lương) việc Phòng Vật tư thiết bị y tế thông báo đã sửa chữa, bảo dưỡng xong hệ thống nước RO số 2 và có thể hoạt động bình thường. Sau đó Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hậu có vào ấn nút khởi động hệ thống lọc nước, quan sát thấy đồng hồ báo chỉ số an toàn nên để hệ thống tiếp tục hoạt động. Lúc này Bác sĩ Hoàng Công Lương, Nguyễn Mạnh Linh và Phạm Thị Huyền tiến hành thăm khám cho các bênh nhân tại các buồng bệnh. Sau khi thăm khám xong Bác sỹ Huyền và Bác sỹ Linh báo lại với Bác sĩ Hoàng Công Lương về việc thăm khám bệnh nhân đã đủ chỉ số để tiến hành lọc máu và chuyển bệnh án cho Hoàng Công Lương ký xác nhận y lệnh tiến hành lọc máu.
Sau khi có y lệnh của Hoàng Công Lương và Lương ký xác nhận y lệnh tiến hành lọc máu cho Bác sĩ Linh và Bác sĩ Huyền, các Điều dưỡng viên tiến hành quy trình lọc máu, nối vòng tuần hoàn vào cơ thể và tiến hành theo dõi bệnh nhân theo quy định. Lúc đó nước ở tank RO số 2 vẫn còn tồn dư hóa chất HF được kết nối với máy chạy thận truyền vào 18 bệnh nhân.
Khoảng 07 giờ 30 phút ngày 29/5/2017, Quốc đến Đơn nguyên lọc máu để lấy mẫu nước đưa đi xét nghiệm theo hợp đồng, thấy máy chạy thận đã chạy cho các bệnh nhân nên Quốc gọi điện thoại cho Sơn nhưng Sơn đang giao ban tại Phòng vật tư y tế.
Tại buổi giao ban Phòng Vật tư thiết bị y tế cùng sáng ngày 29/5/2017, Sơn báo cáo Trần Văn Thắng – Trưởng Phòng Vật tư thiết bị y tế về việc đã sửa chữa xong hệ thống RO số 2, Trần Văn Thắng chỉ đạo Sơn hoàn thiện các thủ tục. Sau khi giao ban xong, Sơn đến Đơn nguyên lọc máu, thấy máy đã chạy thận cho bệnh nhân nên Sơn có trao đổi với điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng là để buổi trưa sẽ lấy mẫu nước đi xét nghiệm. Khi có mặt tại Đơn nguyên lọc máu, cả Quốc và Sơn không ngăn cản việc chạy máy lọc thận nhân tạo khi chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm mà để mọi hoạt động diễn ra. Đến khoảng 08 giờ 20 phút, tất cả 18 bệnh nhân đang được điều trị lọc máu đều có biểu hiện nôn, ngứa, buồn đi ngoài, chóng mặt…và được xử lý cấp cứu theo quy trình.
Hậu quả: Ngày 29/5/2017 có 07 bệnh nhân tử vong, đến ngày 04/6/2017 có thêm 01 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số bệnh nhân bị tử xong là 08 người; 10 bệnh nhân được điều trị đã phục hồi và trở về địa phương tiếp tục điều trị.
Sau sự cố xảy ra, Sơn mới lập Biên bản bàn giao thiết bị sửa chữa ghi hồi 18 giờ 35 phút ngày 28/5/2017, ghi đại diện Công ty CPDP Thiên Sơn do Bùi Mạnh Quốc ký và Phòng Vật tư thiết bị y tế do Trần Văn Sơn ký và lập Biên bản bàn giao thiết bị sửa chữa giữa Phòng Vật tư thiết bị y tế do Sơn ký đưa cho điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng và điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng đưa cho điều dưỡng Đỗ Thị Điệp ký nhận.
Các Kết luận giám định pháp y tử thi của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an về nguyên nhân chết của các nạn nhân đều xác định các nạn nhân chết do ngộ độc Florua/suy thận mạn.
Các Kết luận giám định đối với các mẫu nước thu tại đầu đường ra của máy lọc nước RO số 2; mẫu nước thu tại bồn chứa của máy lọc nước RO số 2; mẫu nước thu tại vòi nước vào bồn chứa khi không bật bơm của máy lọc nước RO số 2; mẫu nước thu tại hệ thống rửa quả lọc thận và mẫu nước thu tại bồn chứa nước rửa quả lọc thận …đều có chỉ tiêu độ dẫn điện cao.
Kết quả giám định máy móc, thiết bị cũng cho thấy Đồng hồ hiển thị độ dẫn điện trên hệ thống lọc RO2 có sai số quá lớn, không đảm bảo để sử dụng.
Tại các Bản án HSST và HSPT, các bị cáo bị kết án với tội danh như sau:
- Bị cáo Bùi Mạnh Quốc phạm tội Vô ý làm chết người;
- Bị cáo Hoàng Công Lương phạm tội Vô ý làm chết người;
- Bị cáo Trần Văn Sơn phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng;
- Bị cáo Hoàng Đình Khiếu (Phó Giám đốc Bệnh viện, phụ trách Phòng Vật tư thiết bị y tế kiêm nhiệm chức Trưởng Khoa Hồi sức tích cực) phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng;
- Bị cáo Trần Văn Thắng phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng;
- Bị cáo Trương Quý Dương (Giám đốc Bệnh viện) phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng;
- Bị cáo Đỗ Anh Tuấn phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
(Hết tóm tắt).
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy rằng:
Thứ nhất, thuộc về phần tố tụng – liên quan đến xác định nguyên nhân tử vong của 8 nạn nhân: Quá trình tố tụng vụ án xuất hiện quan điểm (của Bộ Y tế) cho rằng nguyên nhân chết của tám nạn nhân trong vụ án theo kết luận của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an là chưa thỏa đáng, có nhiều uẩn khúc, nghi vấn. Theo Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thì các nạn nhân tử vong do ngộ độc Florua (Fl). Còn Bộ Y tế lại đưa ra giả thuyết nguyên nhân tử vong là do bị nhiễm bẩn đa chất từ RO1 vào RO2, trong đó có một phần hóa chất được sử dụng để sục rửa hệ thống. Vấn đề đặt ra, việc xác định lại nguyên nhân chết sẽ kéo theo sự thay đổi gì về trách nhiệm của các bị cáo trong vụ án? – Trách nhiệm của bên sửa chữa (Công ty Thiên Sơn và Bùi Mạnh Quốc) sẽ được loại trừ, chỉ còn lại trách nhiệm quản lý và sử dụng vật tư, thiết bị y tế của Bệnh viện, theo đó cũng sẽ có sự thay đổi nhất định đến phạm vi trách nhiệm của Đơn nguyên thận nhân tạo trong đó có Bác sĩ Hoàng Công Lương. Đặc biệt, nếu nguyên nhân chết được chấp nhận theo hướng mà mà Bộ Y tế đưa ra, thì trách nhiệm của Bộ Y tế cũng sẽ được loại bỏ – đó là trách nhiệm trong việc bỏ trống một bộ quy trình về sửa chữa vật tư, thiết bị y tế dùng trong chạy thận nhân tạo. Tuy vậy, việc Bộ Y tế đưa ra một giả thuyết thể hiện quan điểm xung đột đối với quan điểm trong Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an về nguyên nhân chết của các nạn nhân không đủ giá trị pháp lý để được chấp nhận. Những lý do khiến giả thuyết mà Bộ Y tế đưa ra không được chấp nhận đã được giải quyết triệt để trong hồ sơ vụ án và tại quá trình đối đáp tại phiên tòa giữa đại diện Bộ Y tế với đại diện Viện Khoa học hình sự Bộ Công an nhưng về cơ bản Bộ Y tế đưa ra giả thuyết về nguyên nhân tử vong của các nạn nhân nhưng lại không chứng minh một cách thuyết phục về tính đúng đắn của giả thuyết đó và không thể biến giả thuyết đó thành chứng cứ, đồng thời cũng không thể bác bỏ giá trị chứng cứ (tính hợp pháp, khách quan, liên quan) của các biên bản, kết luận giám định, các tài liệu, đồ vật…trong hồ sơ vụ án trong việc xác định nguyên nhân chết chính thức của các nạn nhân. Chúng tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề này, bởi lẽ chúng ta đều biết mỗi một tài liệu, đồ vật…thu được trong vụ án hình sự để được coi là chứng cứ đều phải thông qua hoạt động thu thập, xác định, phân tích và đánh giá riêng từng chứng cứ về tính hợp pháp, khách quan, liên quan và đánh giá tổng hợp tất cả các chứng cứ trong mối liên hệ với nhau trên cơ sở thống nhất về đối tượng chứng minh của vụ án hình sự.
Thứ hai, khi hậu quả chết người trong vụ án và nguyên nhân chết người không thể thay đổi bằng một giả thuyết không có giá trị pháp lý, thì chúng tôi xác định: Liên quan đến hành vi của thân chủ chúng tôi là Bác sĩ Hoàng Công Lương, câu chuyện oan hay không oan chỉ xoay quanh vấn đề hành vi đã thực hiện có thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm hay không? (Trong đó quan trọng nhất là xác định vấn đề có hay không có Lỗi hình sự của cá nhân Bác sĩ Hoàng Công Lương khi bị cáo buộc là thực hiện hành vi ra y lệnh mà chưa biết chắc chắn nước RO đã đảm bảo an toàn sau sửa chữa) chứ câu chuyện oan hay không oan ở đây không rơi vào trường hợp có hay không có việc thực hiện hành vi, cũng không rơi vào trường hợp hậu quả chết người là do nguyên nhân khác không liên quan đến tồn dư hóa chất tẩy rửa màng lọc RO sau sửa chữa.
Cho nên, vấn đề xác định quan điểm oan hay không oan trong hành vi của Bác sĩ Hoàng Công Lương hoàn toàn phụ thuộc vào sự nhận thức sâu sắc, đúng đắn kiến thức khoa học pháp lý trong lĩnh vực luật hình sự về cấu thành tội phạm, cùng với kiến thức khoa học y khoa trên cơ sở đánh giá chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Mời các bạn đón đọc Kỳ tiếp theo:
Bài 1 – Tội Vô ý làm chết người trong khoa học Luật hình sự và trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương
Bài 1 sẽ giải quyết các vấn đề sau đây:
– Hành vi vi phạm quy tắc an toàn (thông thường) trong tội Vô ý làm chết người và biểu hiện trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương:
+ Phân biệt với hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính và quy tắc an toàn trong một số lĩnh vực cụ thể thuộc các tội danh riêng khác;
+ Nghĩa vụ tuân thủ, thực hiện quy tắc an toàn của chủ thể;
+ Hành vi vi phạm quy tắc an toàn trong việc sửa chữa và sử dụng hệ thống lọc nước RO trong vụ án.
- Quan hệ nhân quả trong tội Vô ý làm chết người và biểu hiện trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương:
+ Các dạng quan hệ nhân quả trong luật hình sự;
+ Phân biệt tội Vô ý làm chết người với tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng dựa vào dạng quan hệ nhân quả;
+ Quan hệ nhân quả kép trực tiếp trong vụ án;
– Lỗi trong tội Vô ý làm chết người và biểu hiện trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương:
+ Lỗi vô ý vì quá tự tin và vô ý do cẩu thả
+ Vì sao Bác sĩ Hoàng Công Lương có lỗi hình sự và phải chịu TNHS?
+ Nguyên nhân dẫn đến sự quá tự tin trong hành vi của Bác sĩ Hoàng Công Lương./.
_Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng_
Ls Hoàng Văn Hướng
Ls Đàm Thị Lan Hương